Xuyên Mỹ

  • tác giả: Phan Việt – quyển thứ hai trong bộ bất hạnh là một tài sản
  • thể loại: tựa rất giống sách du ký nhưng nội dung không phải thế, cũng không cần thiết phải xếp loại.

Mình tìm đọc Xuyên Mỹ vì muốn đọc trọn bộ sách có tên rất hay bất hạnh là một tài sản của Phan Việt. Đọc xong nhận ra cảm giác ngột ngạt lúc nào cũng có sẵn trong người mình.

Quyển sách là một cuốn cẩm nang về ly hôn thông qua câu chuyện thực tế của tác giả. Mình, chưa tròn 20 tuổi, chưa có người yêu, đang khủng hoảng mà không biết lý do, đọc quyển sách này xong có cảm giác như bước vào một hố đen to gấp n lần hố đen của vũ trụ. Nhưng thôi không sao mình có một niềm vui nho nhỏ là đã đọc xong gần 400 trang sách trong vỏn vẹn chỉ một buổi chiều :”)

Ấn tượng đầu tiên là về bìa sách, mình thích bìa bên trong nên đã bỏ phần bìa bọc ngoài màu vàng cam với hình đoàn xe đang lăn bánh trên Golden Gate Bridge. Bìa trong màu trắng, có hình tác giả ngồi giữa đường và một cánh chim bay phía dưới nền trắng. Không biết mọi người như thế nào nhưng mình nhìn vào thấy cô đơn kinh khủng.

IMG_2391

Khi đọc sách, mình biết nhiều thứ về ly hôn, tình cảm tâm lý người phụ nữ khi đưa ra quyết định ly hôn một cách chủ động, đặc biệt khi người phụ nữ ấy là người Á Đông. Mình chưa từng chứng kiến ai ly hôn nhưng nhớ có lần đi vào tòa án tập viết bài hồi năm 1, đi ngang qua phòng xử ly hôn có một cặp vợ chồng đang đứng nghe quyết định của tòa án mình đã thầm nguyện làm ơn đừng ai bước vào đó nữa có được không. Đứng ngoài đã thấy sợ, ly hôn chính là vậy.

Điều tôi mong muốn là cuốn sách này giúp bạn đọc cảm thấy họ không một mình trong những gì họ trải qua và có thể giúp họ cắt nghĩa thêm một chút các cảm giác của mình. Bất kể bạn ở độ tuổi nào, xuất thân ra sao, mất mát tình cảm đều có những điểm chung mà sự chia sẻ sẽ làm mất mát vợi bớt và làm chúng ta mạnh mẽ lên, độ lượng lên.

Phan Việt

Xuyên Mỹ kể về khoảng thời gian 2 năm Phan Việt sau khi đã một mình ở châu Âu để tìm lại mình. Về Mỹ, vợ chồng tác giả chuyển về sống ở Chicago và ly hôn. Phan Việt vẫn hoàn thành chương trình tiến sĩ ngành công tác xã hội và chuyển sang bờ Tây nước Mỹ để làm việc. Chắc đó cũng là lý do tựa sách đặt tên là Xuyên Mỹ.

Vì sách xuất bản cách đây chừng 2 năm, nhiều báo đưa tin, viết review rồi nên mình chỉ nói về những đoạn mình nhớ, những điều mình ấn tượng thôi.

Sách ngoài chữ, điều mình quan tâm nhất là hình ảnh, nếu sách có đề cập đến những chuyến đi thì mình còn quan tâm hình ảnh. Xuyên Mỹ nhiều trang hình, nhưng chỉ có 4 trang in màu, còn lại là trắng đen. Điều đó làm mình cảm thấy hụt hẫng và không chú ý lắm đến hình. Vì vốn dĩ hình trắng đen muốn nổi bật thì nó phải tỏ rõ sự đối lập về mảng màu.

Những câu chữ trong Xuyên Mỹ toàn sự đau khổ, tươi sáng dần hơn về phía cuối. Giận dữ, sợ hãi, tuyệt vọng, không quyết định được là những nỗi niềm chính của Phan Việt. Chị kể chuyện của mình trên trang sách không chút che dấu, không ngại ngùng. Tỉnh dậy vào buổi sáng với chị là một cực hình, chị không biết ngày hôm nay sẽ như thế nào, vui hay buồn. Điều mình nể nhất là chị vẫn học tiến sĩ được, vẫn làm việc năng suất trong những ngày tệ bạc đấy. Sơn – chồng chị hiện lên trong đầu mình là một người có chút vấn đề về ngôn ngữ haha. Những gì anh ấy nói với chị không bao giờ dài quá một dòng trong sách.

Sách có giải thích nhiều về mối quan hệ giữa và vị trí giữa đàn ông và phụ nữ, đặc biệt ở Á Đông và đặc biệt hơn nữa nếu là 2 người Việt Nam với nhau. Mình thích thú với nhận định người đàn ông châu Á không tưởng tượng nổi phụ nữ có khả năng trở nên sâu sắc và đau khổ.

Nhiều người đàn ông vì thế không thể nào tưởng tượng nổi việc vợ mình lại đau khổ, hoặc việc những người phụ nữ quanh mình đau khổ, nhất là đau khổ vì mình. Họ không thể nào ý thức được việc đó hoặc không chấp nhận được việc phụ nữ có khả năng đau khổ và thực tế là đau khổ rất nhiều.

Chiều sau hôm nói chuyện với Arif – người đàn ông châu Á, cũng là người đưa ra nhận định trên, chị quyết đọc và tìm hiểu về kiến thức tâm lý, ảnh hưởng văn hóa lên tâm lý và hành vi. Đây là sức mạnh của một nghiên cứu sinh tiến sĩ sao, gặp mình mình đã nằm bẹp ra tiếp tục chấp nhận rồi. Sau đó, chị đi gặp bác sĩ tâm lý miễn phí trong một đặc quyền của trường đại học cho nghiên cứu sinh. Không may mắn lắm người đầu tiên không hề quan tâm đến chị và câu chuyện, nhưng chị gặp được Cynthia. Mình cũng thích bà bác sĩ này, như một người mẹ hiền không muốn con mình đau khổ vậy.

IMG_2392

Sau khi Sơn rời đi, chị không muốn ở lại studio mà chồng và mình đã thuê ở chung nên chuyển đến nhà một chị học cùng ngành tên Kat, Kat có một đứa con tên Emma 4 tuổi – điểm sáng hấp háy cho cuộc đời của chị lúc đó. Cô bé rất dễ thương! Đến lúc này thì cuộc sống của chị đã dễ thở hơn rồi, mình cảm nhận như thế. Mình đặc biệt thích khoảng thời gian kể trong sách từ khi chị ra tòa ly hôn xong, bảo vệ luận án tốt nghiệp tiến sĩ đến cuối, lúc chuyển sang California để làm việc như một giáo sư đại học.

Vì cũng thường bị sự việc ngoài đời ám vào giấc mơ cách rõ ràng rành mạch, mình ấn tượng đoạn chị có giấc mơ về Sơn. Trong giấc mơ chị thấy vật thể lạ trên trời, và mưa những bông hoa nhỏ màu trắng sữa, khi rớt vào ai bông sẽ lặn vào da người đó và chỗ đấy mọc lên một khối u, nếu không sẽ chết. Mưa phùn tiếp tục rơi và gió lạ màu xanh nhạt thổi khắp mặt đấy, dính vào mọi người rồi tiêu hủy họ từ trong ra ngoài. Điều duy nhất có thể chữa là phải có tâm hồn cao thượng. Chị chợt nghĩ trong mơ là phải cố gắng một lần nữa với Sơn, sống hạnh phúc yêu thương và tôn trọng nhau; như vậy mới khỏi bệnh được.

Mình cũng có lúc mơ nhiều giấc mơ đè nén như vậy, như thể tất cả lỗi lầm đều là của mình. Bất hạnh cũng là do mình tạo nên, không thể cứu vãn trừ việc phải đi nhận lỗi và van xin người khác. Nhưng chắc tâm hồn mình không cao cả nên toàn mơ bị người khác đè, vừa đau vừa tủi huhu

Với phụ nữ, tự tin mà không đi kèm tự tôn thì vẫn là thảm họa. Trí tuệ mà không đi kèm dũng cảm thì vẫn bất hạnh mà thôi.

Những nhận định về phụ nữ trong quyển sách này và một mình ở châu Âu luôn đúng, ít ra là đối với mình. Chắc đấy là lý do tại sao mình bỗng dưng tìm ra Phan Việt giữa những kệ sách rộng lớn và quyết tâm đi tiếp với tác giả này những quyển sách sau đó nữa.

Mình cực thích những lần Phan Việt đi phỏng vấn tại các trường đại học để xin việc. Lần đầu tiên, vì ám ảnh chuyện ly hôn mà đã bật khóc và lảm nhảm với hiệu trưởng một trường đại học. Những lần sau thì suôn sẻ hơn và mình thực sự cảm nhận được trí tuệ, sự mạnh mẽ của người phụ nữ này. Mình thích ông thầy hiệu trưởng da đen với những sinh viên cũng phần nhiều là da đen trở thành một người bố của sinh viên. Mình thích cách người ta phỏng vấn xin việc mà không dựa vào hồ sơ và những gì mang tính lý thuyết lắm.

Một điểm dễ thương nho nhỏ mình nhớ là đoạn chị và Kat cùng Emma về nhà anh trai của cô Kat ở vùng ngoại ô để chơi. Cả gia đình cùng đi xem How to train your dragon – bộ phim yêu thích những năm cấp 3 của mình, chi tiết nhỏ này khiến mình thấy mình với tác giả có điểm chung dù hơi buồn cười. Điểm dễ thương mình thấy được nữa là cách tác giả giải thích về giấc mơ Mỹ – khái niệm mà người châu Á nào cũng đưa ra một định nghĩa duy nhất mang đầy tính thực dụng.

Đây mới là nước Mỹ, là cốt lõi của cách sống Mỹ. Nó đơn giản và chân phương đến mức gần như ngây thơ, cái ngây thơ đến từ chỗ hầu hết người ta đều chỉ muốn làm việc chăm chỉ và trách nhiệm để nuôi gia đình, và cuối tuần đi nhà thờ để tạ ơn Chúa đã cho họ cuộc sống đó.

Đến đây thì xem như cuộc sống của chị đã bình yên sau một cơn bão mang tên ly hôn. Chị đã khám phá lại vẻ đẹp của nước Mỹ, khám phá ra vùng đất ấm áp California với một trường đại học xuất sắc, đẹp đẽ và dễ thương để làm việc.

Cuối sách còn có đoạn chú thích những kiến thức chuyên môn và giải thích thêm. Mình không khuyến khích các bạn còn đang yêu đời, đang có người yêu hạnh phúc hay cuộc sống viên mãn nên đọc, vì nó sẽ khiến các bạn cảm thấy nghi ngờ tất cả những điều các bạn đang có. Còn ai đang có vấn đề trong tinh thần thì hãy đọc, đoạn đầu sẽ ngột ngạt đấy, nhưng các bạn sẽ thấy cuộc đời vẫn còn tươi sáng lắm miễn là ta biết mạnh mẽ đối đầu.

Mạnh mẽ đối đầu – đó cũng là điều mình cần, nên mình sẽ xếp quyển sách này vào kệ A : )

Leave a comment